TT - Có một làng nghèo hiu quạnh ven sông, cái ăn thiếu, cái chữ càng thiếu hơn. Người trong làng ai cũng buồn rười rượi khi năm dài tháng rộng mãi đi qua mà làng vẫn chưa có một ai vói đến cái chữ đại học
Trong làng có một cô bé mồ côi cha, sống với người mẹ ốm yếu và bà ngoại già nua trong túp lều con. Ngoài giờ học, cô bé cắt rau đắng ven sông nên bà con gọi tên “Rau đắng”!...
Nhật ký ven sông
“Rau đắng” tên là Lê Thị Mỹ Diệu, tân SV khoa toán tin ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ở làng Hương Trà 2 (thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam). Khi chúng tôi đến, “Rau đắng” mới ở trường về, đang cắt rau đắng ngoài bãi. Người mẹ bận đi gặt thuê ở xóm dưới...”. Bên bãi sông gió lộng hất tung những cọng rau trong rổ, Diệu phải lấy lục bình đậy lại. Bãi rộng, rau đắng chen lưa thưa dưới cỏ, kiếm cho đầy một rổ rau 2.000 đồng phải mất cả buổi. Diệu ra bãi cắt rau như thế từ năm 4 tuổi.
(Trích nhật ký của Diệu: “Lúc ni có nhiều người cắt, rau đắng cùn quá, hai mẹ con mót cả buổi chỉ được 4.000 đồng. Thấy mẹ có vẻ lo, mình thương mẹ quá... May mà hôm nay mò hến trúng, kiếm được 5.000 đồng. Mua cho ngoại cái bánh năm trăm, ngoại trách phí tiền.
Ước chi rau đắng với con hến cứ được miết thế ni... Chứ mấy hôm rồi gạo lại gần hết, mẹ phải bớt từng dúm gạo nấu. Bữa cơm mẹ không dám xúc chén thứ ba. Mình chỉ muốn khóc. Mình phải gắng gỏi để không bỏ lớp. Phải gắng lên... Bữa ni được các bác ở phường giúp cho một ít gạo. Mừng, mẹ cứ săm se miết từng hạt gạo.
Làng mình nghèo quá, ước chi cánh đồng trước nhà mình không bị chua mặn để cấy trồng được cây lúa, bà con có được nhiều lúa gạo mình cũng nhờ theo... May được các thầy cô cho mượn mấy quyển sách hay về để học thêm”.
Nhật ký của Diệu là những dòng được ghi trên những mảnh giấy rời rạc, cũ nhàu như thế. Và hành trình đi đến cổng trường lớn của cô bé “Rau đắng” Lê Thị Mỹ Diệu cũng là sự chắp nối từ những miếng cơm, manh áo và sách đèn kham khó như thế...
Nỗi niềm bà con làng nghèo
Diệu học hết cấp III, để người mẹ già khỏi đói bữa càng là cả một nỗ lực khôn cùng của mẹ. Hết ngâm mình dưới nước mò cua, xúc hến lại đến lết trên bãi, trên đồng để bòn rau, gặt thuê cấy mướn. Từ ngày đứa con côi cút của mình đậu đại học, người mẹ ấy lại càng bôn ba bội phần cho việc kiếm thêm tiền.
“Tui nghĩ làng mình phải nên cảm ơn mẹ con nó. Mẹ thì chịu không biết bao nhiêu cực khổ để nuôi con. Con thì cố gắng đến tận cùng sức con gái học hành để làng có được người học lên đại học”.
“Từ bữa có tin bé Diệu đậu ĐH đến chừ, ngày nào mẹ nó cũng lăn lộn với công việc đi gặt thuê, nhưng có ruộng mô để gặt cho nhiều...”.
“Làng nghèo, bà con chỉ giúp được gần 400.000 đồng. Giúp xong lại lo...”.
Ông già Quế, anh Minh và thôn trưởng Hương Trà 2 Trần Ngọc Quân nói như thế khi nhìn thấy chị Võ Thị Mười, mẹ Diệu, liêu xiêu bước sau buổi gặt thuê trở về lúc sẫm chiều trên cánh đồng đầy gió.
Ghé ngồi nghỉ mệt trước nhà, người mẹ cô SV đầu tiên của làng tẩn mẩn xếp ngay ngắn từng đồng tiền kiếm được sau buổi gặt thuê, cùng khoản tiền kiếm được trong gần hai tuần vẫn chưa được trăm ngàn, toàn những đồng tiền lẻ nhàu cũ.
HUỲNH VĂN MỸ
Nguồn: www.tuoitre.vn
![]() |
Ảnh gia đình nhỏ của "rau đắng" nhân ngày thôi nôi con trai đầu lòng |
Đăng nhận xét